Trình bày món ăn là phần quan trọng nhất trong nghệ thuật ẩm thực.
Là khâu hoàn tất cuối cùng, nhưng nó phải được người đầu bếp hình dung ra từ khi mới bắt đầu ý tưởng xây dựng thực đơn, cụ thể là màu sắc món ăn hài hòa ra sao, hương vị thế nào, có nêu được chủ đề của món ăn không và đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm không.
Một món ăn được trình bày đẹp không chỉ nằm ở việc sắp đặt trên bàn tiệc, mà phụ thuộc ngay từ khâu ban đầu là lựa chọn mua thực phẩm, ví dụ mua rau phải tươi, non thì ăn mới ngọt (người có kinh nghiệm lấy móng tay bấm sẽ biết rau mới và non ra sao).
Nếu phải sử dụng rau khô hay rau mua về bỏ tủ lạnh, rau bán ở siêu thị thì khó có thể trình bày một món ăn cho bắt mắt, đảm bảo ngon và đầy đủ dinh dưỡng. Các thứ củ (cà rốt, củ cải, khoai tây, su hào, bắp cải…) cũng không nên mua loại đã để lâu ngày vì chúng không đảm bảo dinh dưỡng, có thể bị biến chất, dễ làm biến đổi vị ngon của món ăn.
Mực hấp có ớt
Tương tự, các loại thịt cá cũng phải tươi, mới, vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại dễ chế biến cũng như trình bày. Ngoài ra, việc xắt, chặt cũng rất quan trọng. Phải xắt sao cho miếng thức ăn vừa đủ lớn, không bị mất chất dinh dưỡng trong quá trình đun nấu và nấu xong thì trở nên bắt mắt, tạo cảm giác muốn được thưởng thức ngay cho thực khách.
Vật liệu dùng để trang trí trên bề mặt (hành, ngò, cà chua, dưa leo, hành tây, cà rốt…) có vai trò rất quan trọng vì không chỉ tạo cảm giác tươi mới, mà còn phải phù hợp với món ăn (món nào phải cho hành, món nào cho ngổ hay món nào dùng rau răm, tía tô, rau thơm khác).
Chỉ riêng trái ớt cũng có rất nhiều cách cắt tỉa trình bày, lúc thì xắt lát, lúc tỉa hoa, khi lại để nguyên trái.
Cũng là tô canh, nhưng hành hoa thì rải thế nào và những cọng ngò phải đặt ra sao, rau răm phải nhuyễn cỡ nào mới dậy mùi và tăng thêm phần hấp dẫn, rồi rau ngổ phải xắt nhỏ và đều đến mức nào…
Với món hấp hành thì để nguyên phần củ của hành lá, với tô bún bò, phở, mì quảng thì phải chẻ ba, chẻ tư…
Món ăn ngon mắt còn tính đến việc hài hòa màu sắc, sao cho món ăn được nổi bật, kích thích vị giác thực khách. Bên cạnh đó phải tính đến việc tạo dáng cho món ăn, chủ đạo là gì, trang trí ra sao, sắp xếp theo thứ tự nhỏ, to thế nào…
Một yếu tố cũng quan trọng không kém là vật dụng chứa đựng thức ăn. Cũng là món cá chiên nhưng với cá chiên giòn hay chiên xù nguyên con thì dùng dĩa bầu dục, cá chiên từng lát thì dĩa tròn…
Khi làm cơm gà, món gà luộc xé phay thì dùng dĩa tròn, gà chặt miếng có thể dĩa tròn hay bầu dục tùy theo cách bới cơm (nếu bới cơm kiểu xới ra dĩa thì dứt khoát phải dùng dĩa tròn, còn bới cơm thành chén rồi úp xuống dĩa thì có thể dùng dĩa tròn hay dĩa bầu dục).
Nói chung, quan trọng nhất của đĩa cơm gà là làm sao nổi bật được phần gà, cơm vừa phải và thêm vài lát cà chua, dưa leo, vài cọng rau ngò… để tăng phần hấp dẫn.
Chim cút quay
Biết trình bày rau tươi cho các món ăn cũng dễ làm đẹp bàn ăn. Chẳng hạn dưa leo trong món xíu mại xốt cà chua có thể được cắt tỉa theo hai cách và bày trong một dĩa. Phần dưa nhỏ thì đặt xíu mại, phần trái lớn thì tỉa hoa, có cà chua làm nhân. Khoai tây xắt cả mỏng lẫn dày để trình bày trên dĩa đựng món thịt bò khoai tây tùy theo hình dáng dĩa tròn hay bầu dục…
Với món mực hấp, cũng là mực hấp có ớt, nhưng có nhiều cách trình bày khác nhau, có thể là mực được chẻ hoa, cũng có thể cắt khoanh…
Khi bài trí bàn tiệc, tránh việc bày biện nhiều làm rối mắt, tạo cảm giác mới nhìn đã thấy no, nhưng nếu ít quá, lơ thơ quá thì lại không hấp dẫn, dễ gây thất vọng cho thực khách.
Vài cách trình bày món ăn sau đây (xem hình) có thể nói lên tính nghệ thuật trong nấu nướng và trình bày món ăn, tạo được cảm giác ngon mắt cho thực khách.
Le-ghim trên dĩa bầu dục
Le-ghim trên dĩa tròn
Xíu mại xốt cà chua
(Sưu Tầm )